(HQ Online)- “Đồng USD tăng giá khiến giá dầu giảm mạnh. Nếu USD tăng giá 1% thì giá dầu giảm 1 USD” – Chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực nhận định như vậy tại hội thảo “Kinh tế xã hội Việt Nam năm 2015: Cơ hội và thách thức trước thềm hội nhập” ngày 13-1.
Theo TS Cấn Văn Lực, tất cả dự báo hiện nay về giá dầu năm 2016 xoay quanh mức giá bình quân 45-50 USD/thùng. Tuy nhiên đến nay dự báo này đã phải thay đổi.
TS Cấn Văn Lực cho rằng nếu giá dầu xoay quanh mức 40-50 USD/thùng, Việt Nam vẫn có lợi khi xuất khẩu xăng dầu vì chi phí khai thác dầu thô ở Việt Nam là khoảng 27,5 USD/thùng.
“Nếu chúng ta xuất khẩu dầu thô với mức giá 45 USD/thùng là bắt đầu có lãi” – ông Lực tính toán.
Thế nhưng, điều vị chuyên gia này lo ngại rằng kịch bản giá dầu 40-50 USD/thùng khó trụ vững. Bởi vì diễn biến mới nhất cho thấy, giá dầu có thể về mức 20-30 USD/thùng.
Lý do là lượng cung dầu thô trên thị trường tăng lên bởi Mỹ bỏ lệnh cấm vận Iran, Mỹ cũng tăng lượng xuất khẩu dầu thô. Quan trọng hơn là Trung Quốc giảm cầu dầu thô.
“Thực tế lí do cung- cầu chỉ là phần nhỏ. Nguyên nhân quan trọng khiến giá dầu lao dốc là do USD tăng giá. Nếu USD tăng giá 1% giá dầu giảm 1 USD. Nếu USD tăng giá 7-10% năm 2016 thì giá dầu mất 7-10 USD. Hiện giá dầu ở mức 30 USD. Rõ ràng câu chuyện kịch bản giá dầu 20-25 USD/thùng nhiều khả năng xảy ra” – ông Cấn Văn Lực nhận định.
Theo chuyên gia này, giá dầu giảm sẽ khiến các nước xuất khẩu dầu bị thiệt nhiều. Còn nước nhập khẩu xăng dầu đương nhiên có lợi.
“Việt Nam có lợi một chút khi giá dầu giảm mạnh do Việt Nam là nước nhập siêu xăng dầu, dù mức nhập siêu này không nhiều. Năm ngoái Việt Nam nhập siêu xăng dầu khoảng 600 triệu USD. Giá giảm, Việt Nam có lợi chút, cho nên không cần quá quan ngại về giá dầu giảm với Việt Nam” – ông Lực nói.
Trao đổi với báo chí mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết: Trong các phương án tính toán tác động giá dầu giảm đến thu ngân sách, Bộ Tài chính có tính đến phương án giá dầu 25-30 USD/thùng.
Khi giá dầu ở mức 30 USD/thùng, giảm 30 USD/thùng so với dự toán thì tác động đến thu ngân sách cả gián tiếp và trực tiếp là khoảng 45 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng nói về lợi ích của nền kinh tế khi giá dầu giảm xuống. Đó là giá đầu vào sản xuất sẽ giảm khi giá dầu giảm.
Việt Nam đang sử dụng khoảng 14-16 triệu tấn xăng dầu/năm. Như vậy, giá dầu giảm giúp đầu vào của nền kinh tế giảm tương ứng khoảng 2,5-2,9 tỷ USD. Với mức giảm này, chúng tôi tin rằng đây là cơ hội tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu nguồn thu ngân sách, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn chia sẻ.
Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, nguồn thu ngân sách năm 2016 từ dầu thô chỉ chiếm khoảng 5,3% tổng thu ngân sách. Như vậy, giá dầu giảm, nền kinh tế có điều kiện phát triển, tích lũy của nền kinh tế tăng lên, các khoản thu từ thuế quan trọng sẽ đảm bảo bù đắp được hụt thu từ dầu.